CÓ GÌ TẠI LỄ CÔNG BỐ AI HACK BOOTCAMP 2021?
Với mục tiêu thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển các giải pháp/sản phẩm ứng dụng AI dành cho các bạn trẻ ở Việt Nam nhằm thu hút các dự án tiềm năng và hình thành cộng đồng các nhà phát triển AI trẻ có năng lực chuyên môn cao. Nắm bắt xu thế phát triển vượt bậc của Thương mại điện tử trong những năm gần đây, được sự chỉ đạo của Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao (SHTP-IC) phối hợp cùng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) xây dựng kế hoạch thực hiện và công bố phát động Chương trình “AI Hack Bootcamp 2021 – Giải pháp ứng dụng AI trong E-commerce” vào ngày 01/10/2021. Chương trình nhận được sự đồng hành đến từ nhiều tổ chức chính trị – xã hội, tập đoàn, doanh nghiệp… có chuyên môn về lĩnh vực Ứng dụng trí thông minh nhân tạo, về Thương mại điện tử cũng như các hoạt động hỗ trợ phát triển công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Lễ Công bố Chương trình “AI Hack Bootcamp 2021 – Giải pháp ứng dụng AI trong E-commerce” được tổ chức trực tuyến, đã thu hút đông đảo nhiều đại diện trong cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Tại Lễ Công bố, Ông Nguyễn Ngọc Dũng – Phó Chủ tịch – Trưởng Văn phòng Đại diện Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) đã nhấn mạnh về sự phát triển vượt trội của Thương mại điện tử tại Việt Nam trong thời điểm AI, Blockchain… được ứng dụng rộng rãi.
Chương trình nhận được sự chia sẻ của các đại diện đến từ TMA Innovation, HTGSOFT, ANS Center, ARI Technology và Amazon Web Services, từ những kiến thức chuyên sâu về hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ AI để ứng dụng trong các dự án thực tế, đến các lời khuyên dành chung cho các AI Start-up tại Việt Nam.
Chương trình được diễn ra trực tuyến, thu hút hơn 100 chuyên gia, diễn giả và các startup trong cộng đồng khởi nghiệp ĐMST
Đầu tiên là những lời khuyên rất thực tế đến từ anh Trần Phúc Hồng – Đại diện TMA Innovation – Phó chủ tịch VNITO. Theo anh, một đơn vị nghiên cứu sản phẩm AI có thể cần vài tháng tới vài năm để phát triển một mô hình AI có độ chính xác cao và xây dựng thành ứng dụng trong thực tế. Anh cũng chia sẻ về tầm quan trọng của dữ liệu trong thiết kế AI, mong muốn có sự hỗ trợ về dữ liệu mẫu từ phía doanh nghiệp, kết hợp với sức sáng tạo của start-up để tạo ra các sản phẩm AI có giá trị cao.
Tiếp theo, CIO & Co-Founder, HTGSOFT , anh Paul Đào bổ sung góc nhìn của một chuyên gia R&D cho câu hỏi: “chúng ta sẽ cần xây dựng những luồng dữ liệu có cấu trúc toàn vẹn và bảo mật thông tin như thế nào ở cả hệ thống phần mềm và phần cứng để xây dựng một hệ thống AI hiệu quả và khả thi?”
Anh Paul chia sẻ, AI được ứng dụng trong thương mại điện tử không chỉ qua các dữ liệu sàn giao dịch mà còn qua những dữ liệu âm thanh (từ ghi âm cuộc gọi chăm sóc khách hàng), hình ảnh từ camera, nhận diện khuôn mặt. Anh còn chia sẻ những thách thức để xây dựng những hệ thống AI chạy trên những thiết bị phần cứng như các con chip chuyên dụng trong công nghiệp.
Đến với phần kết hợp chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Nghĩa – CEO ANS CENTER và anh Ung Tiến Dũng – CEO ARI Technology, người nghe nhận được những chia sẻ giá trị về quá trình thiết kế dữ liệu và cách để hình thành ý tưởng áp dụng AI một cách trực quan qua ví dụ thực tế từ ARI. Anh Nghĩa nhấn mạnh về tầm quan trọng của “Tài nguyên Dữ liệu” – là nền tảng cho việc xây dựng ứng dụng AI để tạo nên năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Thương mại điện tử. Anh Nghĩa cũng rất khuyến khích các start-up có ý định xây dựng những dịch vụ thông minh để cung cấp cho các Doanh nghiệp Thương mại điện tử.
Anh Dũng với kinh nghiệm thiết kế và thi công nhiều nền tảng E-commerce thành công ở Malaysia và Singapore đã chia sẻ thêm về một trong những cách để các start-up có thể tham gia thành công vào thương mại điện tử, đó là tham gia vào những thị trường ngách của E-commerce như các khách hàng của Ari đã thành công: Thermomix – Nền tảng B2B2C; Doxa: Nền Tảng Cộng Đồng Hợp tác Kinh Doanh; Shariot: Nền Tảng Kinh Tế Chia Sẻ .v.v
Ngoài ra, đồng tình với các điểm nghẽn thị trường của anh Paul Đào về những yêu cầu chuyên môn rất cao trong việc thiết kế hệ thống AI và các hệ thống camera thông minh, anh Nghĩa còn chia sẻ thêm các sản phẩm của ANS Center giúp doanh nghiệp cũng có thể đơn giản hóa quá trình thiết kế và triển khai mô hình AI trong các ứng dụng và phần cứng. Đặc biệt là sự kết hợp giữa nền tảng ANSVIS của ANS CENTER với phần cứng của tập đoàn – Advantech, có thể xây dựng được luồng dữ liệu từ các camera có sẵn để kết hợp với dữ liệu từ thương mại điện tử để tiến tới hình thức bán hàng Onmi Channel, một trạng thái cấp cao khi thương mại điện tử cùng vận hành với cửa hàng bán lẻ truyền thống.
Đến với chương trình, đại diện Amazon Web Services Scout (AWS) – chị Nguyễn Minh Hằng – cũng đã cung cấp đa dạng các giải pháp hỗ trợ cho các dự án tham gia chương trình, nhằm giúp các start-up phát huy tối đa sức mạnh của mình dựa vào các hỗ trợ chuyên môn cao từ AWS.
Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao nhận được sự tin tưởng từ các đơn vị chỉ đạo, đã chính thức công bố phát động Chương trình AI Hack Bootcamp 2021 – Giải pháp ứng dụng AI trong E-commerce. Trong thời điểm toàn Thành phố đang dần quay trở lại với nhịp điệu bình thường mới, SHTP-IC hi vọng, với sức trẻ của mình, các Start-up sẽ hưởng ứng Chương trình như một cơ hội để hoàn thiện và phát triển mạnh mẽ hơn.
Link Youtube Chương trình: https://www.youtube.com/watch?v=C47OtENCuiA
Thông tin về thể lệ và cách thức đăng ký tham gia chương trình, vui lòng truy cập: http://shtpic.org/vi/the-le-tham-gia-chuong-trinh-ai-hack-bootcamp-2021-giai-phap-ung-dung-ai-trong-e-commerce/